Kế Toán Thuế Thu Nhập Cá Nhân

Kế Toán Lê Ánh Tác giả Kế Toán Lê Ánh 19/07/2024 18 phút đọc

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một khoản thu bắt buộc vào ngân sách nhà nước, được pháp luật quy định rõ ràng với các tổ chức kinh tế và các thành viên trong xã hội. Vậy Kế toán Thuế thu nhập cá nhân là gì? Các quy định và cách tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Hãy cùng Kế toán Lê Ánh tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

I. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một loại thuế trực thu áp dụng trên khoản thu nhập của cá nhân sau khi đã khấu trừ các khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh. Thuế TNCN đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Đây là nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mỗi công dân nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Vai trò của thuế TNCN trong nền kinh tế

- Tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy công bằng xã hội. 

- Góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội và giảm bớt sự bất bình đẳng giàu nghèo. 

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chính sách phúc lợi.

- Cung cấp bằng chứng hợp pháp về nguồn thu nhập cá nhân, giúp nhà nước kiểm soát tính hợp pháp của các khoản thu nhập này.

II. Quy định về thuế thu nhập cá nhân

1. Đối tượng nộp thuế TNCN

Theo Điều 2 Luật Thuế TNCN được ban hành và sửa đổi năm 2012 có quy định về 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân như sau:

- Đối tượng 1: Cá nhân cư trú

Đối với cá nhân cư trú thì có 2 trường hợp cần thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân là:

Cá nhân ký kết hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

Cá nhân ký kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động

- Đối tượng 2: Cá nhân không cư trú

Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập. Thông thường đó là những người nước ngoài đến Việt Nam sống và làm việc.

2. Các trường hợp được miễn thuế TNCN

Theo điều 4, Luật thuế thu nhập cá nhân quy định các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN cụ thể như sau:

Thu nhập từ chuyển nhượng BĐS giữa vợ với chồng, cha để, mẹ đẻ với con đẻ,…

Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở. Các tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có 1 nhà ở, đất ở duy nhất

Thu nhập từ giá trị QSDĐ của cá nhân được nhà nước giao đất

Thu nhập từ nhận thừa kế hay quà tặng là BĐS giữa vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ…

Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật

Thu nhập từ tiền lãi gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ HĐ bảo hiểm nhân thọ

3. Các khoản giảm trừ thuế TNCN

Những khoản được giảm trừ thuế TNCN bao gồm:

- Giảm trừ gia cảnh: Cá nhân nộp thuế với mức 132 triệu đồng/năm tương đương 11 triệu đồng/tháng và đối với người phụ thuộc là 4.4 triệu đồng/tháng.

- Các khoản BHXH bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN) và bảo hiểm đặc biệt tùy vào ngành nghề yêu cầu.

- Giảm trừ những khoản đóng tiền tự nguyện bao gồm: tiền đóng bảo hiểm, từ thiện, khuyến học, đóng góp quỹ nhân đạo và hưu trí.

Trong đó, điều kiện để tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là:

Người nộp thuế đã đăng ký và được cấp mã số thuế.

Người nộp thuế cần nộp những hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

>>> Xem thêm:

III. Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Hiện tại có 3 cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công dành cho 3 đối tượng khác nhau:

Cách 1: Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ 3 tháng trở lên (Tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần): 

Công thức tính thuế TNCN chung:

(1) Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

(2) Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

(3) Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản miễn thuế, không chịu thuế

Bước 1: Tính tổng thu nhập cá nhân đến từ tiền lương, tiền công nhận được.

Bước 2: Tính những khoản được miễn thuế  

Bước 3: Tính thu nhập phải chịu thuế theo công thức số (3)

Bước 4: Tính các khoản giảm trừ 

Những khoản được giảm trừ được quy định bao gồm:

Giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân nộp thuế với mức 123 triệu đồng/năm tương đương 11 triệu đồng/tháng và đối với người phụ thuộc là 4.4 triệu đồng/tháng.

Giảm trừ những khoản đóng tiền tự nguyện bao gồm: tiền đóng bảo hiểm, từ thiện, khuyến học, đóng góp quỹ nhân đạo và hưu trí.

Bước 5: Tính thu nhập tính thuế theo công thức số (2)

Bước 6: Tính ra số thuế TNCN phải nộp

Sau khi đã biết được mức thu nhập tính thuế, bạn sẽ đối chiếu vào bảng thuế suất (dưới đây) theo biểu lũy tiến từng phần để xác định được bậc thuế suất. Sau đó, bạn áp dụng công thức tính số (1) sẽ ra được tiền thuế thu nhập cá nhân cần phải đóng.

Để việc tính toán thuận tiện hơn, có thể áp dụng phương pháp tính rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Cách 2: Đối với cá nhân ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ (Khấu trừ 10%)

Theo khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định với nội dung là cá nhân cư trú ký kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký kết hợp đồng lao động có mức thu nhập dưới 2.000.000 đồng/tháng thì không cần chịu thuế với mức 10%. Trường hợp cá nhân cư trú ký kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký kết hợp đồng lao động có mức thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 2.000.000 đồng/tháng thì phải khấu trừ là 10%.

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân cho trường hợp 02 là:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

Cách 3: Đối với cá nhân không cư trú thường là người nước ngoài (Khấu trừ 20%)

Theo quy định của pháp luật cá nhân không cư trú sẽ không được tính khoản giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có mức thu nhập lớn hơn 0 thì sẽ phải chịu mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là 20%. Những khoản mà nhóm đối tượng cá nhân không cư trú được giảm là khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí, đóng góp khuyến học, làm thiện nguyện.

Theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định số thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú được tính theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế trong trường hợp này được xác định bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

Trong đó, thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú được xác định như quy định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú, cụ thể:

- Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế thu nhập đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

- Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế thu nhập đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.

>>> Tham khảo: Cách khấu trừ thuế TNCN với lao động có thu nhập nhiều nơi

IV. Cách hạch toán thuế thu nhập cá nhân

1. Hàng tháng/quý, doanh nghiệp khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân của công nhân viên
Nợ TK 3341        Phải trả công nhân viên
Có TK 3335        Thuế thu nhập cá nhân

2. Nộp thuế TNCN vào NSNN
Nợ TK 3335         Thuế thu nhập cá nhân
Có TK 111/112     Tiền mặt/Tiền gửi ngân hàng

3. Cuối năm, thực hiện quyết toán thuế TNCN. Nếu phát sinh số thuế TNCN được hoàn thì hạch toán như sau:
Nhận tiền hoàn thuế TNCN:
Nợ TK 111/112      Tiền mặt/Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3388          Phải trả khác

4. Trả tiền hoàn thuế cho công nhân viên
Nợ TK 3388          Phải trả khác
Có TK 111/112      Tiền mặt/Tiền gửi ngân hàng

V. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thuế TNCN

1. Thu nhập bao nhiêu thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân?

Đối với những cá nhân người lao động không có người phụ thuộc cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có tổng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng (sau khi khấu trừ các khoản phí bắt buộc và các khoản nhân đạo, thiện nguyện khác) tương đương có tổng thu nhập năm là từ 132 triệu đồng/năm trở lên. Nếu có một người phụ thuộc, thì thu nhập phải trên 15,4 triệu đồng/tháng mới cần phải đóng thuế.

2. Đang trong quá trình thử việc thì có phải đóng thuế TNCN không?

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, người lao động ký hợp đồng thử việc mà có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động.

3. Những ai là người phụ thuộc của các đối tượng phải nộp thuế?

Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

- Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động

- Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động…

4. Các khoản thu nhập không chịu thuế là những khoản nào?

Bên cạnh các khoản giảm trừ gia cảnh được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân thì các khoản sau cũng không chịu thuế TNCN

- Tiền ăn giữa ca, ăn trưa; tiền công tác phí

- Phụ cấp điện thoại, phụ cấp trang phục

- Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ.

- Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt

Trên đây là một số thông tin về Kế toán thuế Thu Nhập Cá Nhân cũng như cách tính thuế thu nhập cá nhân chi tiết. Hy vọng bài viết trên của Kế toán Lê Ánh đã giúp bạn đọc nắm rõ thông tin về thuế TNCN để có thể phục vụ cho việc nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật.

 

Kế Toán Lê Ánh
Tác giả Kế Toán Lê Ánh ketoanleanh
Bài viết trước Kế Toán Thuế Giá Trị Gia Tăng

Kế Toán Thuế Giá Trị Gia Tăng

Bài viết tiếp theo

Có Nên Thi Chứng Chỉ Đại Lý Thuế? Lợi Ích Và Cơ Hội

Có Nên Thi Chứng Chỉ Đại Lý Thuế? Lợi Ích Và Cơ Hội
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo