Báo Cáo Lưu Chuyển Tiền Tệ: Cách Lập và Phân Tích Chi Tiết

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp theo dõi dòng tiền thu và chi, đảm bảo khả năng thanh toán và đánh giá sức khỏe tài chính. Không giống như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo này phản ánh dòng tiền thực tế mà doanh nghiệp thu được, thay vì chỉ ghi nhận doanh thu hay lợi nhuận trên sổ sách. |
Vậy báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập như thế nào? Nên sử dụng phương pháp trực tiếp hay gián tiếp? Làm sao để đọc và phân tích báo cáo một cách chính xác? Bài viết sau Kế toán Lê Ánh sẽ hướng dẫn bạn cách lập báo cáo chuẩn, cung cấp mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ, và chỉ ra cách phân tích hiệu quả để quản lý dòng tiền doanh nghiệp tốt hơn.
I. Báo Cáo Lưu Chuyển Tiền Tệ Là Gì?
1. Định nghĩa và vai trò của báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash Flow Statement) là một báo cáo tài chính quan trọng phản ánh dòng tiền ra vào của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán. Báo cáo này giúp doanh nghiệp biết được lượng tiền thực tế thu vào và chi ra từ các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính.
✅ Vai trò của báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
- Theo dõi dòng tiền thực tế, giúp doanh nghiệp biết rõ khả năng thanh toán và quản lý tài chính hiệu quả.
- Đánh giá sức khỏe tài chính, tránh tình trạng mất cân đối dòng tiền.
- Hỗ trợ ra quyết định về đầu tư, vay vốn, hoặc mở rộng kinh doanh.
2. Tại sao doanh nghiệp cần lập báo cáo này?
Nhiều doanh nghiệp dù có lợi nhuận cao nhưng vẫn gặp khó khăn tài chính do không kiểm soát được dòng tiền thực tế. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp doanh nghiệp:
- Biết được tiền thực sự có sẵn, tránh tình trạng lãi trên giấy nhưng không có tiền mặt để thanh toán nợ.
- Hiểu rõ nguồn thu và chi từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính.
- Dự đoán dòng tiền trong tương lai để chủ động kế hoạch tài chính.
Ví dụ: Một doanh nghiệp có lợi nhuận 2 tỷ đồng nhưng dòng tiền âm do khách hàng chưa thanh toán hết công nợ, trong khi vẫn phải chi trả lương, tiền thuê mặt bằng… Nếu không quản lý tốt, doanh nghiệp có thể bị thiếu tiền dù lợi nhuận vẫn có.
3. Phân biệt báo cáo lưu chuyển tiền tệ với bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Tiêu chí | Báo cáo lưu chuyển tiền tệ | Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh | Bảng cân đối kế toán |
Phản ánh | Dòng tiền thực tế vào và ra | Doanh thu, chi phí, lợi nhuận | Tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu |
Tính thanh khoản | Có | Không | Không |
Ghi nhận doanh thu | Theo tiền mặt thực nhận | Theo nguyên tắc kế toán dồn tích | Không ghi nhận doanh thu |
Mục đích | Quản lý dòng tiền, đánh giá khả năng thanh toán | Đánh giá lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh | Phản ánh tình hình tài chính tại một thời điểm |
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền thực tế, trong khi báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chỉ thể hiện lợi nhuận kế toán. Bảng cân đối kế toán lại phản ánh tình hình tài chính tại một thời điểm mà không cho thấy dòng tiền vào ra.
4. Phân loại báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có hai phương pháp lập:
Phương pháp trực tiếp
- Trình bày cụ thể từng dòng tiền thu và chi trong kỳ.
- Phù hợp với doanh nghiệp có nhiều giao dịch tiền mặt.
- Chi tiết, dễ hiểu nhưng tốn thời gian lập báo cáo.
Phương pháp gián tiếp
- Bắt đầu từ lợi nhuận kế toán, sau đó điều chỉnh để xác định dòng tiền thực tế.
- Phù hợp với doanh nghiệp lớn, có hệ thống kế toán chuyên sâu.
- Được sử dụng phổ biến hơn do dễ lập từ dữ liệu kế toán có sẵn.
II. Hướng Dẫn Cách Lập Báo Cáo Lưu Chuyển Tiền Tệ
1. Cấu trúc của báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ gồm ba phần chính, phản ánh dòng tiền từ các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính:
a. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Phản ánh dòng tiền thu và chi từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp bao gồm:
- Tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ.
- Tiền chi trả cho nhà cung cấp, nhân viên, thuế, lãi vay…
Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương, doanh nghiệp đang vận hành tốt.
b. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Phản ánh dòng tiền liên quan đến mua bán tài sản dài hạn và đầu tư tài chính như:
- Tiền thu từ bán tài sản cố định, đầu tư tài chính.
- Tiền chi để mua sắm tài sản, đầu tư vào công ty khác.
Dòng tiền âm trong mục này thường không đáng lo ngại nếu doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư.
c. Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Phản ánh dòng tiền từ huy động vốn và trả nợ bao gồm:
- Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, vay vốn.
- Tiền chi trả cổ tức, trả nợ vay.
Dòng tiền dương thường cho thấy doanh nghiệp đang huy động vốn.
2. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo từng phương pháp
2.1. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp
Lưu ý:
- Các khoản thu tiền: Đối chiếu số phát sinh Nợ TK 111, 112, 113 với bên Có các TK liên quan.
- Các khoản chi tiền: Đối chiếu số phát sinh Có TK 111, 112, 113 với bên Nợ các TK liên quan.
- Các khoản thu tiền ghi bình thường
- Các khoản chi tiền ghi âm trong dấu (…)




- Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác: Căn cứ vào tổng số tiền nhận được trong kỳ từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các khoản thu nhập khác.
- Trả cho nhân viên: Căn cứ vào tổng số tiền lương, tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng đã trả cho người lao động trong kỳ báo cáo mà doanh nghiệp đã thanh toán hoặc tạm ứng.
- Trả lãi khi vay: Tổng số tiền lãi đã trả khi vay trong kỳ báo cáo.
- Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp: Được tính dựa trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước trong kỳ báo cáo.
- Thu nhập khác từ hoạt động kinh doanh: Dựa trên tổng số tiền nhận được từ các hoạt động kinh doanh khác, chẳng hạn như bồi thường, tiền thưởng, hỗ trợ.
- Chi phí khác của hoạt động kinh doanh: Tổng chi dựa trên các khoản mục khác như thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quỹ khen thưởng
- Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh: Phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu và chi của các hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp
2.2. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp
Giải thích các chỉ tiêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp
- Lợi nhuận trước thuế: Chỉ tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế lấy từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ báo cáo.
- Khấu hao tài sản cố định và bất động sản đầu tư: Doanh nghiệp phải loại bỏ khoản khấu hao XDCB dở dang trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ và tính vào số khấu hao của phần giảm nguồn tài trợ TSCĐ hiện có.
- Các khoản dự trữ: phản ánh tác động của việc trích trước, hoàn nhập và sử dụng các khoản dự trữ đối với dòng tiền trong kỳ báo cáo.
- Lãi lỗ từ hoạt động đầu tư: Tổng lãi lỗ của kỳ hiện tại được tính vào lợi nhuận trước thuế nhưng được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
- Tăng/giảm hàng tồn kho: Tạo bút toán này căn cứ vào số chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của đối tượng kiểm kê.
Cụ thể cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp
a. Phần I: Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động SXKD
- Lợi nhuận trước thuế (Mã số 01):
+ Lấy từ chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50) trên Báo cáo kết quả HĐKD trong kỳ báo cáo.
+ Nếu số liệu này số âm (DN lỗ) thì ghi trong ngoặc đơn(…)
- Khấu hao TSCĐ (Mã số 02):
+ Căn cứ vào số khấu hao TSCĐ đã trích trong kỳ trên bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ và sổ kế toán các tài khoản có liên quan.
+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”
- Các khoản dự phòng (Mã số 03):
+ Số chênh lệch giữa số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ của các khoản dự phòng tổn thất tài sản và dự phòng phải trả trên Bảng cân đối kế toán.
+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”.
- Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện (Mã số 04):
+ Số chênh lệch số phát sinh Có và phát sinh Nợ TK 4131 đối chiếu sổ kế toán TK 515 (chi tiết lãi do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ) hoặc TK 635 (chi tiết lỗ do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ).
+ Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”(Mã số 01), nếu có lãi hoặc được (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” , nếu có lỗ.
- Lãi /lỗ từ hoạt động đầu tư (Mã số 05):
+ Lấy số liệu từ các tài khoản 5117, 515, 711, 632, 635, 811 và các tài khoản khác có liên quan (chi tiết phần lãi, lỗ được xác định là luồng tiền từ hoạt động đầu tư) trong kỳ báo cáo.
+ Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu hoạt động đầu tư có lãi thuần và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…); hoặc được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”, nếu hoạt động đầu tư có lỗ thuần.
- Chi phí lãi vay (Mã số 06):
+ Số liệu lấy từ sổ kế toán tài khoản 635“Chi phí tài chính”(chi tiết chi phí lãi vay được ghi nhận vào Báo cáo kết quả HĐKD) sau khi đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản có liên quan, hoặc căn cứ vào chỉ tiêu “Chi phí lãi vay” trong Báo cáo kết quả HĐKD.
+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”.
- Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động(Mã số 08):
Mã số 08 = Mã số 01 + Mã số 02 + Mã số 03 + Mã số 04 + Mã số 05 + Mã số 06
Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn(…)
- Tăng giảm các khoản phải thu (Mã số 09):
+ Số liệu căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và đầu kỳ của các Tài khoản phải thu liên quan đến hoạt động kinh doanh, như: TK131, TK 331, TK 136, TK 138, TK 133 TK 141.
+ Số liệu được công vào “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn(…).
- Tăng giảm hàng tồn kho (Mã số 10):
+ Số liệu căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và đầu kỳ của các Tài khoản hàng tồn kho như TK 151, TK152, TK153, TK154, TK155, TK156, TK157, TK158 (Không bao gồm số dư của Tài khoản “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho” và không bao gồm số dư hàng tồn kho dùng cho hoạt động đầu tư.
+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn(…).
- Tăng giảm các khoản phải trả (Mã số 11)
+ Số liệu căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và đầu kỳ của các Tài khoản nợ phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh, như: TK 331, TK 131, TK 333, TK 334, TK 335, TK 336, TK 338, TK 351, TK 352.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản phải trả về thuế TNDN phải nộp, các khoản phải trả về lãi tiền vay, các khoản phải trả liên quan đến hoạt động đầu tư (như mua sắm xây dựng TSCĐ, mua bất động sản đầu tư, mua các công cụ nợ…) và hoạt động tài chính (Vay và nợ ngắn hạn, dài hạn...)
+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn(…).
- Tăng giảm chi phí trả trước (Mã số 12):
+ Số liệu căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và đầu kỳ của TK 242.
+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Hoặc được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn(…).
- Tăng, giảm chứng khoán kinh doanh (Mã số 13):
+ Số liệu căn cứ vào tổng chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của TK 121.
+ Số liệu chỉ tiêu này được (+) và chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ nhỏ hơn số dư đầu kỳ.
+ Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ lớn hơn số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền lãi vay đã trả (Mã số 14):
+ Số liệu căn cứ TK 111, 112, 113 (chi tiết tiền chi trả lãi tiền vay); sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết tiền trả lãi vay từ tiền thu các khoản phải thu) trong kỳ báo cáo, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 335, 635, 242 và các Tài khoản liên quan khác.
+ Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…). Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động ” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn(…).
- Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp (Mã số 15):
+ Số liệu chỉ tiêu này căn cứ vào sổ kế toán TK 111, 112, 113 (chi tiết tiền nộp thuế TNDN), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 3334.
+ Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh (Mã số 16):
+ Số liệu chỉ tiêu này căn cứ vào TK 111, 112, 113 sau khi đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản có liên quan trong kỳ báo cáo.
+ Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.
- Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh (Mã số 17):
+ Số liệu chỉ tiêu này căn cứ vào sổ kế toán TK 111, 112, 113 sau khi đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản có liên quan trong kỳ báo cáo.
+ Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.
- Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 20):
Mã số 20 = Mã số 08 + Mã số 09 + Mã số 10 + Mã số 11 + Mã số 12 + Mã số 13 + Mã số 14 + Mã số 15 + Mã số 16 + Mã số 17
Phần II: Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư: (như lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp)
Phần III: Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính: (như lập Báo cáo LCTT theo phương pháp trực tiếp)
>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp
TẢI NGAY: Mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ
III. Phân Tích Báo Cáo Lưu Chuyển Tiền Tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một trong những báo cáo tài chính quan trọng, phản ánh dòng tiền vào – ra của doanh nghiệp trong kỳ kế toán. Đây là công cụ giúp đánh giá khả năng tạo tiền, mức độ thanh khoản và tiềm ẩn các rủi ro tài chính.
1. Đánh giá dòng tiền doanh nghiệp
Các tiêu chí đánh giá dòng tiền
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương và ổn định → Doanh nghiệp có khả năng tạo tiền từ hoạt động chính.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm → Doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư (tín hiệu tốt) hoặc bán tháo tài sản để bù đắp dòng tiền (tín hiệu xấu tùy bối cảnh).
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính dương → Doanh nghiệp đang huy động vốn hoặc vay nợ để tài trợ hoạt động.
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm → Có thể do doanh nghiệp trả nợ vay hoặc chia cổ tức.
✅ Mức dòng tiền lý tưởng: Dòng tiền kinh doanh dương, dòng tiền đầu tư âm (mua tài sản), dòng tiền tài chính ít biến động.
⚠️ Cảnh báo: Dòng tiền kinh doanh âm, dòng tiền tài chính dương liên tục (phải vay nợ để duy trì hoạt động).
2. Phân tích xu hướng dòng tiền qua các kỳ
Phân tích theo thời gian giúp xác định xu hướng và dự đoán tình hình tài chính trong tương lai.
Cách phân tích xu hướng
- So sánh kỳ này với kỳ trước: Xem xét sự thay đổi của từng dòng tiền qua các năm/quý.
- Tỷ lệ dòng tiền so với doanh thu: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ổn định hay không? Nếu tỷ lệ này giảm, có thể doanh nghiệp đang gặp vấn đề về khả năng chuyển đổi doanh thu thành tiền mặt.
- Chu kỳ dòng tiền: Đối với doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ, dòng tiền có thể mang tính thời vụ.
Một số xu hướng điển hình
- Dòng tiền hoạt động kinh doanh giảm liên tục: Có thể do doanh nghiệp gặp khó khăn trong bán hàng hoặc quản lý công nợ.
- Dòng tiền đầu tư tăng mạnh: Nếu doanh nghiệp đầu tư vào tài sản dài hạn, có thể là dấu hiệu tích cực, nhưng cũng cần xem xét khả năng sinh lời của các khoản đầu tư này.
- Dòng tiền tài chính dương liên tục: Có thể do doanh nghiệp vay nợ nhiều để duy trì hoạt động, cần đánh giá khả năng trả nợ.
3. Các dấu hiệu cảnh báo rủi ro tài chính từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể giúp nhận diện các rủi ro tài chính tiềm ẩn.
➤Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm kéo dài
- Doanh nghiệp không tạo ra đủ tiền từ hoạt động kinh doanh chính.
- Phải dựa vào vay nợ hoặc huy động vốn để duy trì hoạt động.
➤ Dòng tiền từ hoạt động tài chính dương nhưng hoạt động kinh doanh âm
- Doanh nghiệp có thể đang vay nợ để bù đắp dòng tiền thiếu hụt.
- Nếu kéo dài, có thể dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán.
➤ Dòng tiền từ hoạt động đầu tư dương bất thường
- Có thể do doanh nghiệp bán tài sản cố định để duy trì thanh khoản.
- Nếu không có kế hoạch tái đầu tư, đây có thể là dấu hiệu tiêu cực.
➤ Lợi nhuận kế toán cao nhưng dòng tiền kinh doanh thấp hoặc âm
- Doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu chưa thu tiền hoặc có vấn đề trong quản lý công nợ.
- Cần xem xét chất lượng lợi nhuận (cash earnings vs. accrual earnings).
➤ Hệ số dòng tiền trên nợ vay thấp
- Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không đủ để trả nợ vay, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro tài chính nghiêm trọng.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ cách lập báo cáo, đánh giá dòng tiền và nhận diện rủi ro tài chính. Nắm vững báo cáo lưu chuyển tiền tệ không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền hiệu quả mà còn đưa ra quyết định tài chính đúng đắn.
-------------------------------------------
Kế Toán Lê Ánh - Nơi đào tạo kế toán thực hành uy tín nhất hiện nay, đã tổ chức thành công rất nhiều khóa học nguyên lý kế toán, khóa học kế toán tổng hợp, khóa học kế toán thuế cho người mới bắt đầu, khóa học kế toán thuế chuyên sâu, khóa học phân tích tài chính doanh nghiệp, khóa học chứng chỉ kế toán trưởng, khóa học kế toán cho chủ doanh nghiệp... và hỗ trợ kết nối tuyển dụng cho hàng nghìn học viên.
Nếu như bạn muốn tham gia các khóa học kế toán online/offline của trung tâm Lê Ánh thì có thể liên hệ hotline tư vấn: 0904.84.8855/ Mrs Lê Ánh
Ngoài các khóa học kế toán thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học hành chính nhân sự, khóa học xuất nhập khẩu TPHCM, Hà Nội, online chất lượng tốt nhất hiện nay.
Thực hiện bởi: KẾ TOÁN LÊ ÁNH - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN SỐ 1 VIỆT NAM