Câu Hỏi Phỏng Vấn Kế Toán Tổng Hợp Thường Gặp - Cách Trả Lời

Kế Toán Lê Ánh Tác giả Kế Toán Lê Ánh 15/05/2025 40 phút đọc

Nếu bạn đang ứng tuyển vị trí kế toán tổng hợp, hãy xác định ngay từ đầu: buổi phỏng vấn sẽ không dừng ở việc “em học trường gì” hay “đã từng làm ở đâu”.

Vì đây là vị trí chịu trách nhiệm tổng hợp toàn bộ số liệu kế toán – từ chứng từ, sổ sách đến báo cáo tài chính và thuế – nên nhà tuyển dụng thường hỏi rất thực tế: bạn đã từng lập báo cáo chưa, xử lý công nợ ra sao, có làm việc với phần mềm kế toán không…

Xem thêm: Công Việc Của Kế Toán Tổng Hợp - Mô tả chi tiết

Họ cần người có kinh nghiệm thực hành, biết cách trình bày rõ ràng, và thực sự hiểu việc mình đang làm – chứ không chỉ là học lý thuyết hay làm theo mẫu.

Xem thêm: 

Không ít ứng viên có chuyên môn tốt, nhưng vì trả lời phỏng vấn một cách rập khuôn, thiếu ví dụ minh họa hoặc không thể hiện rõ vai trò trong công việc đã làm, dẫn đến bị đánh giá chưa đủ thuyết phục – và đánh mất cơ hội đáng tiếc.

Các câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp

Bài viết dưới đây, Kế toán Lê Ánh sẽ giúp bạn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn khi bước vào vòng phỏng vấn, thông qua việc:

  • Tổng hợp các nhóm câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất đối với vị trí kế toán tổng hợp

  • Phân tích mục đích ẩn sau mỗi câu hỏi – để bạn hiểu rõ nhà tuyển dụng đang muốn đánh giá điều gì

  • Gợi ý cách trả lời logic, đúng trọng tâm, có ví dụ thực tế – thể hiện được năng lực và sự chuyên nghiệp

Nếu bạn đang nghiêm túc theo đuổi công việc kế toán tổng hợp, đây là bước chuẩn bị không thể bỏ qua.

I. Câu hỏi cơ bản về hồ sơ cá nhân

Đây là phần mở đầu trong hầu hết các buổi phỏng vấn. Mặc dù không quá khó về mặt nội dung, nhưng đây lại là thời điểm quan trọng để bạn tạo ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng – chứng minh rằng bạn không chỉ là người học kế toán, mà là một ứng viên nghiêm túc với nghề và có định hướng phát triển rõ ràng.

Câu hỏi phỏng vấn kế toán tổng hợp về hồ sơ cá nhân

Dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn kế toán tổng hợp thường gặp cùng gợi ý cách trả lời phù hợp:

1. “Bạn có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân?”

Gợi ý:

  • Tập trung vào các yếu tố liên quan đến chuyên môn kế toán

  • Tóm tắt ngắn gọn quá trình học và kinh nghiệm thực hành (nếu có)

  • Kết thúc bằng lý do bạn ứng tuyển vào vị trí kế toán tổng hợp

Ví dụ:

Tôi tốt nghiệp ngành Kế toán tại Đại học X. Sau khi ra trường, tôi đã học thêm một khóa kế toán tổng hợp thực hành tại trung tâm, trong đó được tiếp cận với bộ chứng từ thật của doanh nghiệp thương mại. Tôi đã thực hành nhập liệu, lập sổ sách và báo cáo tài chính trên Excel. 

Tôi mong muốn ứng tuyển vị trí kế toán tổng hợp để áp dụng những gì đã học và tiếp tục phát triển nghề nghiệp trong môi trường thực tế.

2. “Vì sao bạn chọn công việc kế toán tổng hợp?”

Gợi ý:

  • Thể hiện bạn hiểu rõ tính chất công việc, không chọn nghề một cách ngẫu nhiên

  • Nhấn mạnh điểm bạn yêu thích: tính hệ thống, tính logic, vai trò trung tâm

  • Có thể nêu định hướng muốn phát triển lên vị trí cao hơn như kế toán trưởng

Tránh: Trả lời quá chung chung kiểu “vì em học ngành kế toán nên em làm kế toán…”

3. “Điểm mạnh và điểm cần cải thiện của bạn là gì?”

Gợi ý:

  • Nêu 1–2 điểm mạnh phù hợp với công việc kế toán (cẩn thận, trách nhiệm, khả năng làm việc với con số...)

  • Với điểm cần cải thiện, hãy chọn một yếu tố không ảnh hưởng quá lớn, đồng thời cho thấy bạn đang chủ động cải thiện

Ví dụ:

Điểm mạnh của tôi là khá cẩn thận với số liệu. Khi làm sổ sách hay đối chiếu tài khoản, tôi thường kiểm tra kỹ từng phần để tránh sai sót. Tôi cũng sử dụng được Excel ở mức khá, biết các hàm cơ bản và đang tự học thêm các hàm nâng cao như SUMIFS, VLOOKUP để làm báo cáo nhanh hơn.

Về điểm cần cải thiện, tôi thấy mình vẫn hơi lúng túng khi phải trình bày lại số liệu với người khác. Hiện tại tôi đang luyện bằng cách tự nói lại quy trình làm báo cáo sau mỗi lần hoàn thành, và học cách diễn đạt mạch lạc hơn.

4. “Bạn đã từng lập báo cáo tài chính chưa?”

Gợi ý:

  • Nhà tuyển dụng không chỉ muốn biết “có” hay “chưa”, mà đang đánh giá mức độ bạn hiểu quy trình kế toán tổng hợp

  • Nếu bạn đã làm thật: nêu rõ bạn tham gia ở bước nào

  • Nếu bạn học thực hành: hãy mô tả cụ thể quy trình bạn đã thực hiện (nhập liệu – lập sổ – tổng hợp – lên báo cáo)

5. “Bạn đã từng sử dụng phần mềm kế toán nào chưa?”

Gợi ý:

  • Nếu đã dùng MISA, FAST, Bravo... hãy nói rõ bạn phụ trách phần hành nào, làm trong bao lâu

  • Nếu chưa tiếp xúc phần mềm, hãy nói về việc bạn đã học quy trình nhập liệu – định khoản – lập sổ trên Excel, và bạn có thể tiếp cận phần mềm kế toán dễ dàng nhờ hiểu nguyên tắc chung

Lưu ý tổng quát: Nhóm câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng đánh giá nhanh các yếu tố nền tảng như:

  • Ứng viên có nghiêm túc và định hướng rõ ràng với nghề hay không

  • Đã có kinh nghiệm thực hành hay chỉ học lý thuyết

  • Có khả năng trình bày mạch lạc, hiểu rõ bản chất công việc đã từng làm

Việc trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm và có ví dụ minh họa thực tế sẽ giúp bạn nổi bật hơn hẳn so với các ứng viên khác có cùng trình độ chuyên môn.

II. Câu hỏi chuyên môn – nghiệp vụ kế toán tổng hợp

Ở phần này, nhà tuyển dụng thường chuyển từ thông tin cá nhân sang kiểm tra kiến thức và kỹ năng thực hành kế toán tổng hợp. Nội dung câu hỏi sẽ xoay quanh các chủ đề như: định khoản, xử lý chứng từ, lập sổ sách, kê khai thuế và lập báo cáo tài chính.

Mục tiêu cuối cùng của nhà tuyển dụng là xác định: “Ứng viên này có thể làm được việc không – và làm đến đâu?

Câu hỏi phỏng vấn kế toán tổng hợp về chuyên môn và nghiệp vụ

1. Câu hỏi về định khoản kế toán

Những câu hỏi dạng này không nhằm đánh đố, mà để kiểm tra ứng viên có hiểu bản chất dòng tiền và nắm chắc quy trình hạch toán hay không.

Ví dụ câu hỏi: “Bạn hãy định khoản các nghiệp vụ sau: Mua hàng chưa thanh toán, bán hàng thu tiền mặt, trả lương, trích khấu hao tài sản, nhận vốn vay.”

Gợi ý trả lời:

  • Mua hàng chưa thanh toán: Nợ 156 / Có 331

  • Bán hàng thu tiền mặt: Nợ 111 / Có 511, Có 3331

  • Trả lương: Nợ 642 hoặc 154 / Có 334

  • Trích khấu hao TSCĐ: Nợ 642 hoặc 627 / Có 214

  • Nhận vốn vay từ ngân hàng: Nợ 112 / Có 341

Lưu ý: Trả lời mạch lạc, không cần dài dòng, chỉ cần đúng bản chất nghiệp vụ. Nếu chưa từng làm thực tế, bạn có thể nói rõ đã học và thực hành trên chứng từ giả định.

Biến thể khác: “Bạn có thể phân biệt khi nào dùng TK 242, 133 và 3331?”

Gợi ý:

  • – TK 242: Chi phí trả trước (thuê văn phòng trả 6 tháng, bảo hiểm trả 1 năm...)

  • – TK 133: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

  • – TK 3331: Thuế GTGT đầu ra phải nộp phát sinh từ doanh thu bán hàng

2. Câu hỏi về chi phí hợp lý khi tính thuế
Ví dụ: “Chi phí hợp lý và không hợp lý khi tính thuế TNDN khác nhau thế nào?”

Gợi ý trả lời:

  • Chi phí hợp lý: Có đầy đủ hóa đơn chứng từ, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và trong giới hạn cho phép (VD: quảng cáo, lương chuyển khoản, chi phí thuê ngoài…).

  • Chi phí không hợp lý: Không đủ hồ sơ, hóa đơn sai, chi vượt định mức, chi cho cá nhân không liên quan.

Mẹo: Hãy luôn kèm ví dụ cụ thể. Nhà tuyển dụng không muốn nghe lý thuyết suông, mà muốn biết bạn có từng gặp hoặc thực hành qua chưa.

3. Câu hỏi về thuế và báo cáo tài chính

Ví dụ 1: “Bạn đã từng lập báo cáo tài chính chưa? Gồm những biểu mẫu nào?”

Gợi ý trả lời:

– Nếu đã học thực hành hoặc từng làm tại công ty:

Tôi đã lập báo cáo tài chính theo Thông tư 133, bao gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính. Trước đó, tôi đối chiếu sổ sách, kiểm tra số dư tài khoản và kết chuyển cuối kỳ.

Ví dụ 2: “Nếu phát hiện hóa đơn kê khai thuế GTGT bị sai, bạn xử lý như thế nào?”

Gợi ý:

  • Nếu hóa đơn chưa kê khai → yêu cầu bên bán xuất lại

  • Nếu đã kê khai → lập biên bản điều chỉnh + hóa đơn thay thế/điều chỉnh

  • Đồng thời, thực hiện kê khai bổ sung trên tờ khai thuế GTGT tại kỳ phát hiện sai sót

Điểm cộng: Nếu từng thực hành kê khai bổ sung trên phần mềm eTax/HTKK, bạn có thể trình bày thao tác thực hiện để chứng minh bạn đã làm thật.

Ví dụ 3: “Doanh thu được ghi nhận khi nào? Nếu khách hàng trả tiền trước thì định khoản ra sao?”

Gợi ý:

  • Doanh thu được ghi nhận khi rủi ro và lợi ích đã chuyển giao cho người mua

  • Nếu khách trả tiền trước:

→ Ghi nhận: Nợ 111/112 / Có 131, Có 3387 (doanh thu chưa thực hiện)

→ Khi giao hàng: Nợ 3387 / Có 511, Có 3331

4. Mục đích nhà tuyển dụng muốn đánh giá là gì?

  • Ứng viên có nắm nguyên tắc kế toán và thuế, hiểu bản chất nghiệp vụ không?

  • Có từng làm sổ sách – báo cáo – kê khai thật hay chỉ học theo mẫu?

  • Có thể trình bày rõ ràng, logic và thể hiện được tư duy kiểm soát sổ sách – chứ không chỉ làm theo hướng dẫn?

Lưu ý chung:

  • Bạn không cần phải biết hết, nhưng điều quan trọng là biết chắc phần mình đã học – đã thực hành

  • Trình bày rõ, không nói vòng vo, và nếu có thể – hãy đưa ví dụ gắn với công việc bạn từng xử lý

  • Một ứng viên biết tự đánh giá năng lực và có thái độ học hỏi thực tế luôn tạo thiện cảm mạnh mẽ hơn những người “trả lời cho hay”

III. Câu hỏi tình huống thực tế – cách xử lý thông minh

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng rất quan tâm đến khả năng xử lý tình huống thực tế của ứng viên. Những câu hỏi dạng này giúp đánh giá tư duy, sự cẩn trọng, khả năng phối hợp và xử lý sai sót – vốn là những kỹ năng bắt buộc ở vị trí kế toán tổng hợp.

Câu hỏi phỏng vấn kế toán tổng hợp về tình huống thực tế và cách xử lý

Dưới đây là một số tình huống thường gặp và hướng dẫn cách trả lời:

1. “Nếu đến cuối kỳ, bạn phát hiện một hóa đơn đầu vào chưa kê khai thuế, bạn xử lý như thế nào?”

Gợi ý trả lời:

  • Trước tiên kiểm tra hóa đơn còn trong thời hạn kê khai hay không

  • Nếu còn hạn: bổ sung vào kỳ hiện tại hoặc điều chỉnh lại kỳ trước (nếu sai kỳ hạch toán)

  • Nếu hết hạn: không được kê khai khấu trừ thuế, nhưng vẫn phải hạch toán chi phí theo đúng nguyên tắc kế toán

Mục tiêu đánh giá: Ứng viên có nắm vững quy định về thời hạn kê khai thuế, biết phân biệt giữa kế toán và thuế, và xử lý đúng – đủ – không trốn tránh sai sót.

2. “Bạn đã nộp báo cáo tài chính xong nhưng phát hiện sai định khoản. Bạn sẽ làm gì?”

Gợi ý trả lời:

  • Xác định mức độ ảnh hưởng của sai sót đến báo cáo đã nộp

  • Nếu sai lệch không trọng yếu: lưu lại biên bản ghi nhớ, điều chỉnh vào kỳ kế tiếp

  • Nếu sai nghiêm trọng ảnh hưởng đến chỉ tiêu thuế, kết quả kinh doanh: làm tờ khai điều chỉnh, nộp lại báo cáo tài chính và giải trình với cơ quan thuế

Mục tiêu đánh giá: Ứng viên có thái độ trung thực, biết đánh giá mức độ sai sót và hành động có trách nhiệm thay vì giấu lỗi hoặc xử lý cảm tính.

3. “Bạn phát hiện sổ kế toán và sổ phụ ngân hàng lệch nhau, bạn xử lý thế nào?”

Gợi ý trả lời:

  • Đối chiếu lại toàn bộ giao dịch có liên quan trong kỳ: UNC, phiếu thu – chi, sao kê ngân hàng

  • Kiểm tra có bị ghi nhầm tài khoản, sai kỳ, bỏ sót giao dịch hay không

  • Ghi nhận lệch do phí ngân hàng, lãi tiền gửi hoặc các khoản chuyển khoản chậm đến

  • Sau khi xác định nguyên nhân, hạch toán điều chỉnh phù hợp theo quy định

Mục tiêu đánh giá: Kiểm tra khả năng xử lý chênh lệch dữ liệu và tư duy logic của ứng viên khi tiếp cận vấn đề thực tế.

4. “Trong quá trình làm, nếu xảy ra sai sót nhưng giám đốc yêu cầu không điều chỉnh để ‘đỡ phiền phức’, bạn xử lý thế nào?”

Gợi ý trả lời:

  • Thể hiện rõ quan điểm làm việc trung thực, đúng quy định

  • Giải thích cho lãnh đạo hiểu hậu quả khi không điều chỉnh sai sót (rủi ro pháp lý, ảnh hưởng đến thuế...)

  • Đề xuất phương án điều chỉnh hợp lý – không ảnh hưởng đến vận hành nhưng vẫn đảm bảo tính đúng đắn sổ sách

Mục tiêu đánh giá: Ứng viên có đạo đức nghề nghiệp, biết cách trình bày để bảo vệ nguyên tắc kế toán nhưng không đối đầu trực diện với cấp trên.

5. “Bạn làm việc với một nhân viên kho/bán hàng không hợp tác, thường gửi chứng từ chậm, sai lệch. Bạn sẽ xử lý thế nào?”

Gợi ý trả lời:

  • Chủ động trao đổi rõ ràng về thời hạn gửi chứng từ, hậu quả nếu nộp chậm

  • Gợi ý doanh nghiệp nên có quy trình và biểu mẫu cố định để phối hợp dễ hơn

  • Nếu vẫn không hợp tác, đề xuất báo cáo cấp trên để có biện pháp xử lý phù hợp

Mục tiêu đánh giá: Khả năng giao tiếp, phối hợp nội bộ và giữ vững nguyên tắc trong xử lý công việc giữa các bộ phận.

Lưu ý chung:

Khi gặp câu hỏi tình huống, bạn nên:

  • Trình bày theo hướng: xác định vấn đề → phân tích nguyên nhân → đề xuất giải pháp

  • Không nên trả lời theo kiểu "tùy vào tình hình" hoặc “em chưa gặp nên em chưa biết”

  • Ngay cả khi chưa từng xử lý thực tế, bạn vẫn có thể đưa ra hướng tiếp cận hợp lý dựa trên kiến thức và tư duy đã học

IV. Câu hỏi về kỹ năng làm việc và xử lý tình huống

Ngoài năng lực chuyên môn, nhà tuyển dụng còn quan tâm đến kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, quản lý công việc dưới áp lực và tư duy tổ chức trong công việc kế toán. Đây là những yếu tố quyết định mức độ phù hợp và khả năng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Câu hỏi phỏng vấn kế toán tổng hợp về kỹ năng làm việc và xử lý tình huống

Dưới đây là những câu hỏi phổ biến mà bạn có thể gặp:

1. “Bạn làm việc nhóm như thế nào trong phòng kế toán?”

Gợi ý trả lời:

– Nêu rõ bạn từng phối hợp với bộ phận nào: kế toán bán hàng, kho, thuế…

– Trình bày vai trò cụ thể: hỗ trợ kiểm tra hóa đơn, đối chiếu công nợ, tổng hợp báo cáo

– Nhấn mạnh tinh thần hỗ trợ – chủ động – phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo tiến độ công việc

Ví dụ: “Tôi từng hỗ trợ kế toán thuế rà soát hóa đơn đầu ra vào cuối tháng để đảm bảo kê khai đúng hạn. Khi thấy thiếu chứng từ, tôi chủ động liên hệ bộ phận bán hàng để bổ sung kịp thời, tránh phát sinh sai sót.”

Lưu ý: Tránh trả lời chung chung kiểu “em hòa đồng, dễ làm việc nhóm”. Thay vào đó, hãy cho thấy bạn thực sự đóng vai trò trong quy trình công việc chung.

2. “Bạn từng gặp tình huống nào cần xử lý gấp hoặc làm việc dưới áp lực chưa?”

Gợi ý trả lời:

  • Mô tả ngắn gọn một tình huống thực tế (ví dụ: gần đến hạn nộp tờ khai, kiểm toán đột xuất, chứng từ thiếu...)

  • Trình bày cách bạn xử lý: phân loại công việc, phối hợp bộ phận liên quan, rà soát lại số liệu

  • Nêu kết quả cụ thể: nộp đúng hạn, không bị phạt, hoàn thành đúng tiến độ

Ví dụ: “Cuối năm trước, tôi hỗ trợ một doanh nghiệp trong kỳ quyết toán. Có nhiều hóa đơn chưa được xử lý kịp, tôi đã làm việc trực tiếp với bên mua hàng, kiểm tra lại sổ kho, đồng thời lọc các giao dịch chưa hoàn tất để báo cáo kịp thời. Nhờ đó, doanh nghiệp hoàn tất tờ khai thuế đúng hạn mà không bị sai sót.”

3. “Bạn có thể làm thêm giờ trong kỳ quyết toán không?”

Gợi ý trả lời:

  • Trả lời thật, không nên quá né tránh

  • Thể hiện sự hiểu biết về đặc thù công việc kế toán, nhất là vào cuối năm hoặc khi có thanh tra, kiểm toán

Ví dụ: “Tôi hiểu rõ rằng thời điểm quyết toán cuối năm thường rất áp lực. Nếu công việc cần sắp xếp làm thêm giờ để đảm bảo đúng hạn, tôi sẵn sàng hỗ trợ trong thời gian cao điểm.”

4. “Bạn tổ chức lưu trữ chứng từ kế toán như thế nào?”

Gợi ý trả lời:

  • Nêu rõ nguyên tắc phân loại: theo loại chứng từ (mua vào, bán ra, lương, ngân hàng...) và theo kỳ (tháng, quý)

  • Mô tả cách sắp xếp: bản cứng được kẹp file, đóng số thứ tự; bản mềm được scan và lưu theo thư mục đặt tên nhất quán

  • Có checklist đối chiếu cuối kỳ để đảm bảo không thất lạc chứng từ

Ví dụ: “Tôi thường phân loại chứng từ theo nhóm nghiệp vụ và theo tháng. Mỗi file cứng đều có mục lục đầu trang, bản mềm được lưu theo thư mục riêng, ví dụ ‘01-2024_HoaDonDauVao’. Cuối tháng tôi đối chiếu checklist so với sổ sách để đảm bảo không thiếu chứng từ nào khi lập báo cáo.”

Mục tiêu của nhà tuyển dụng ở phần này là gì?

  • Đánh giá tinh thần trách nhiệm, khả năng làm việc nhóm và sẵn sàng xử lý khối lượng công việc tăng cao vào thời điểm quan trọng

  • Xác định tư duy tổ chức, khả năng quản lý chứng từ và kiểm soát sai sót – những yếu tố sống còn trong nghề kế toán

V. Lưu ý khi phỏng vấn kế toán tổng hợp

Một buổi phỏng vấn thành công không đến từ may mắn, mà đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Với vị trí kế toán tổng hợp – nơi nhà tuyển dụng thường hỏi sâu vào thực tế công việc – bạn cần thể hiện rõ tư duy mạch lạc, kỹ năng nghiệp vụ vững và khả năng trình bày có tổ chức.

Dưới đây là 4 việc nhất định bạn nên làm trước khi bước vào phòng phỏng vấn:

1. Làm rõ và cá nhân hóa CV – trung thực, đúng trọng tâm

– Chỉ ghi những gì bạn đã thực sự học hoặc làm được, dù là trong khóa thực hành, thực tập hay dự án cá nhân

– Tránh viết quá chung chung như “biết kế toán thuế” – thay vào đó, hãy cụ thể:

“Đã thực hành lập tờ khai thuế GTGT, thuế TNCN và báo cáo tài chính theo Thông tư 133 trên Excel.”

– Không cần liệt kê quá nhiều kỹ năng “mềm” nếu không liên quan trực tiếp đến vị trí tuyển dụng

Gợi ý: Nếu bạn từng học thực hành kế toán tổng hợp tại trung tâm, hãy chuẩn bị bản in nội dung khóa học, bài tập thực hành hoặc sản phẩm đã làm – đó là bằng chứng mạnh mẽ hơn bất kỳ dòng mô tả nào trên CV.

2. Ôn lại kiến thức căn bản – nhưng theo hướng ứng dụng

Bạn không cần học thuộc chuẩn mực kế toán, nhưng phải hiểu rõ các nguyên tắc nghiệp vụ và biết vận dụng vào công việc thực tế.

Nên tập trung ôn lại:

– Kết cấu và bản chất của các tài khoản phổ biến: 111, 112, 131, 133, 3331, 632, 642…

– Cách định khoản các nghiệp vụ quen thuộc: mua bán hàng, trả lương, thu – chi tiền, khấu hao…

– Các báo cáo tài chính cơ bản: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ

– Tình huống thường gặp: hóa đơn sai, kê khai thuế thiếu, định khoản sai kỳ, thiếu chứng từ...

3. Luyện cách trình bày mạch lạc – có ví dụ cụ thể

– Không cần nói như sách giáo khoa, nhưng cần trả lời ngắn gọn – rõ ràng – có dẫn chứng

– Khi được hỏi về định khoản, đừng chỉ nói lý thuyết. Ví dụ:
“Mua hàng chưa thanh toán thì hạch toán Nợ 156 / Có 331, vì hàng đã về nhưng chưa chi tiền.”

– Có thể luyện nói trước gương hoặc ghi âm để điều chỉnh phần diễn đạt còn thiếu tự nhiên

4. Chuẩn bị hồ sơ và tài liệu đi kèm – bản in + bản mềm

Nên chuẩn bị:

– CV in đẹp, ngắn gọn, chuyên nghiệp (nên tối đa 1 trang A4)

– Chứng chỉ học kế toán thực hành (nếu có), đặc biệt là loại có ghi rõ nội dung học hoặc kèm sản phẩm đầu ra

– Bản in 1–2 báo cáo tài chính bạn từng làm (hoặc trích một phần bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh)

– USB hoặc link Google Drive chứa file bài tập, Excel thực hành, báo cáo mẫu để sẵn sàng trình bày nếu được hỏi: “Bạn có thể cho xem sản phẩm đã làm không?”

Điểm cộng lớn: Ứng viên có sản phẩm thực tế chứng minh năng lực luôn nổi bật hơn người chỉ nói “em biết làm”. Với kế toán tổng hợp, việc bạn từng xử lý chứng từ, lập báo cáo, nhập liệu phần mềm… sẽ là lợi thế lớn giúp bạn vượt qua cả những ứng viên có bằng cấp nhưng chưa từng tiếp xúc với số liệu thật.

Kế toán tổng hợp là vị trí quan trọng, là “trục chính” kết nối giữa các phần hành kế toán và là bước đệm để phát triển lên vị trí kế toán trưởng. Vì vậy, buổi phỏng vấn không chỉ là cơ hội xin việc, mà còn là nơi để bạn thể hiện được sự đầu tư nghiêm túc cho nghề.

Nếu bạn đã có nền tảng lý thuyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực hành, hoặc chưa tự tin về quy trình nghiệp vụ, việc học thêm một khóa kế toán tổng hợp thực hành tại Lê Ánh sẽ giúp bạn:

  • Làm quen với chứng từ thực tế

  • Rèn luyện quy trình xử lý nghiệp vụ hoàn chỉnh

  • Thực hành phần mềm kế toán Misa và Excel chuyên sâu

  • Được hướng dẫn phỏng vấn – viết CV – giải bài test tuyển dụng

Tìm hiểu khóa học tại: https://ketoanleanh.edu.vn/khoa-hoc/khoa-hoc-ke-toan-tong-hop-thuc-hanh 

Hoặc liên hệ tư vấn miễn phí qua hotline 0904.84.8855 và fanpage Kế Toán Lê Ánh.

 

5.0
1 Đánh giá
Kế Toán Lê Ánh
Tác giả Kế Toán Lê Ánh Admin
Bài viết trước Lương Kế Toán Tổng Hợp Hiện Nay Là Bao Nhiêu?

Lương Kế Toán Tổng Hợp Hiện Nay Là Bao Nhiêu?

Bài viết tiếp theo

Có Nên Học Chứng Chỉ Kế Toán Tổng Hợp Không?

Có Nên Học Chứng Chỉ Kế Toán Tổng Hợp Không?
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo